Bài thuốc trị xơ gan cổ trướng

Cổ trướng là một chứng bệnh nằm trong tứ chứng nan y của Đông y. Nguyên nhân gây ra bệnh rất đa dạng, tính chất bao trùm là hư chứng; hư trung hiệp thực (tà khí thực); do nội thương thất thường, ăn uống thực tích, lao lực quá sức và các chứng bệnh của hoàng đản, triệt ngược… gây ra. Bệnh “cổ trướng” được chia ra: Khí cổ, thuỷ cổ, huyết cổ, cổ trướng, nhiệt trướng, tỳ hư cổ trướng, tỳ thận hư cổ trướng và hàn trướng. Trong phạm vi cổ trướng, tuỳ theo từng nguyên nhân gây bệnh mà có các chứng trạng khác nhau:

Khí cổ

Triệu chứng: Ngực bụng đầy trướng, bụng phệ, da bụng dày, ngực tức sườn đau, hay ợ hơi, hay trung tiện. Tinh thần ảm đạm, u uất, hay bực tức, không muốn ăn uống. Nặng thì bụng phình to, da bụng dày, sắc xanh, ấn tay vào nổi lên ngay. Mạch trầm vô lực.

Bài thuốc: binh lang 16g, hậu phác 16g, mộc hương quảng 06g, đậu khấu nhân 8g, thanh bì 10g, trần bì 12g, đại phúc bì 12g, uất kim 16g, trạch tả 16g. Hậu phác cạo bỏ vỏ. Các vị trên sắc với 1.600ml nước, lọc bỏ bã lấy 300ml. Mộc hương quảng + thuốc sắc 30ml mài tan hết, cho vào thuốc sắc quấy đều. Chia làm 3-5 phần, uống trong ngày.

Thuỷ cổ

Triệu chứng: Bụng trướng to bè ra hai bên, da bụng mỏng, sáng, ấn lõm, ăn uống kém, chân tay gầy, sắc mặt vàng úa, chất lưỡi bệu, nhớt, rêu lưỡi trắng, đau bụng hoặc táo kết. Mạch trầm tế hoặc vi nhược.

Bài thuốc: hắc sửu 32g, tiểu hồi hương 8g, quảng mộc hương 6g. Hai vị hắc sửu và tiểu hồi hương sắc với 1.000ml nước, lọc bỏ bã lấy 200ml. Mộc hương quảng + thuốc sắc 40ml mài tan hết trộn lẫn quấy đều. Chia làm 2-3 phần, uống trong ngày.

Huyết cổ

Triệu chứng: Bụng trướng to, da bụng nổi gân hơi tía hoặc xanh, mệt mỏi, sắc mặt xanh sạm, chân, tay, mặt gầy, đại tiện phân đen, bóng, thối khẳm. Mạch trầm tế.

Bài thuốc: đương qui 12g, xích thược dược 10g, sinh địa hoàng 16g, quế tâm 6g, đào nhân 12g, phục linh 12g, hồng hoa 4g, chỉ xác 8g, sài hồ 8g, cam thảo 4g, bào khương 2g. Xích thược tẩm rượu, sinh địa hoàng tẩm rượu, đào nhân bỏ vỏ. Các vị trên sắc với 1.800ml nước, lọc bỏ bã lấy 300ml. Chia làm nhiều lần, uống trong ngày. Chia làm 3-5 phần, uống trong ngày.

Cổ trướng

Triệu chứng: Bụng to như cái trống, trướng đau, môi đỏ, mặt mày hốc hác, mắt lờ đờ nhợt nhạt, mửa nước trong, thích ăn đồ béo ngọt, lưỡi nhợt, bệu, rêu lưỡi có điểm xanh tím. Mạch tế sác.

Bài thuốc: bán hạ 12g, trần bì 6g, thanh bì 6g, chỉ xác 6g, la bạc tử 10g, cam thảo 4g, tử tô 6g, sa nhân 6g, nhục đậu khấu 4g, tam lăng 12g, nga truật 12g, binh lang 12g, quan quế 4g, bạch đậu khấu 4g, tất trừng già 6g, mộc hương quảng 2g, sinh khương 6g, đại táo 12g. Đại táo xé ra. Các vị trên sắc với 1.800ml nước, lọc bỏ bã lấy 300ml. Mộc hương quảng + thuốc sắc 30ml mài tan rồi hoà đều với thuốc sắc. Chia làm 3-5 phần, uống trong ngày.

Nhiệt trướng

Triệu chứng: Bụng trướng to, cứng, đau, cự án, phát sốt, miệng đắng, cổ khô, tiểu tiện vàng thẫm, sẻn, đại tiện bí, táo kết, lưỡi khô, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi vàng nhợt. Mạch sác.

Bài thuốc: hoàng liên 12g, hoàng cầm 16g, hậu phác 12g, chỉ xác 10g, bán hạ 12g, phục linh 12g, bạch truật 12g, nhân sâm 4g, trư linh10g, trạch tả 12g, cam thảo 4g, can khương 2g. Hậu phác cạo bỏ vỏ, bán hạ chế, cam thảo chích. Các vị trên sắc với 1.800ml nước, lọc bỏ bã lấy 300ml. Chia làm 3-5 phần, uống trong ngày.

Tỳ hư cổ trướng

Triệu chứng: Bụng trướng, bụng đầy, ấn có khi mềm khi căng, thiện án, sôi bụng, sắc mặt vàng héo, tiếng nói nhỏ yếu, hơi thở ngắn, người mệt mỏi, gầy, mắt trắng, môi nhợt, chất lưỡi bệu, nhợt, đại tiện lỏng. Mạch trầm tế.

Bài thuốc: bạch truật 16g, phục linh 16g, hậu phác 16g, đại phúc bì 12g, thảo quả nhân 8g, mộc hương quảng 4g, mộc qua 16g, hắc phụ tử 8g, bào khương 4g, cam thảo 6g. Hậu phác cạo bỏ vỏ. Các vị trên sắc với 1.800ml nước, lọc bỏ bã lấy 300ml. Mộc hương quảng + thuốc sắc 30ml mài tan, hoà lẫn với thuốc sắc. Chia làm 3-5 phần, uống trong ngày.

Tỳ thận hư cổ trướng

Triệu chứng: Bụng đầy trướng, ấm ách sôi bụng khó chịu, không muốn ăn, đầu choáng mắt hoa, ù tai, đau lưng, mỏi gối, di tinh, ra mồ hôi, ngũ canh tiết tả. Mạch trầm tế.

Bài thuốc: nhân sâm 8g, can khương 12g, cam thảo 12g, bạch truật 12g, hắc phụ tử 10g. Các vị trên sắc với 1.500ml nước, lọc bỏ bã lấy 300ml. Chia làm 3-5 phần, uống trong ngày.

Hàn trướng

Triệu chứng: Bụng đầy trướng, ấm ách trong bụng, đau vùng hạ vị, chườm nóng đỡ đau, chân tay lạnh, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, tiểu tiện trong ít, đại tiện phân nát, lỏng. Mạch trầm trì vô lực.

Bài thuốc: nhân sâm 8g, cam thảo 12g, can khương 12g, bạch truật 32g, ô dược 12g, chỉ thực 12g.

Chỉ thực nướng. Các vị trên sắc với 1.500ml nước, lọc bỏ bã lấy 300ml. Chia làm 3-5 phần, uống trong ngày.

BS. Trần Văn Nguyên

Phương thuốc thanh nhiệt giải độc

Bạch cương tàm.

Thanh nhiệt giải độc là những phương thuốc trị các chứng nhiệt độc thịnh, ung nhọt, đinh nhọt, phát ban, nóng sốt. Trên nguyên tắc là sử dụng các dược vật có công năng tả hỏa, giải độc để lập thành phương như hoàng liên giải độc thang; phổ tế tiêu độc ẩm; tả tâm thang; thanh ôn bại độc ẩm.

Sau đây xin dẫn cụ thể những phương trị liệu ấy để tham khảo và chọn lựa áp dụng cho thích hợp khi cần thiết.

Hoàng liên giải độc thang: Hoàng liên 8-12g, hoàng bá 8-12g, hoàng cầm 8-12g, chi tử 8-12g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Tác dụng tả hỏa giải độc.

Trong phương: hoàng liên là chủ dược, tác dụng tả hỏa ở tâm và trung tiêu. Hoàng cầm tả hỏa ở thượng tiêu, hoàng bá tả hỏa ở hạ tiêu. Chi tử hỗ trợ thông tả hỏa ở tam tiêu. Khi hợp 4 vị này sẽ công hiệu tả hỏa và giải độc thêm mạnh. Phương này thích hợp cho các chứng hỏa nhiệt thịnh ở tam tiêu.

Gia giảm: Nếu uất nhiệt vàng da, gia nhân trần, đại hoàng, làm tăng cường tiêu ứ giải độc. Song đối với ung nhọt, đinh độc giã nát đắp tại chỗ hoặc gia các vị giải độc khác kết hợp. Phương cũng có thể sử dụng trị chứng huyết độc, kiết lỵ, viêm phổi thuộc chứng hỏa độc thịnh. Với các chứng xuất huyết như thổ huyết, chảy máu cam, phát ban có huyết nhiệt cần gia các vị lương huyết. thanh nhiệt như huyền sâm, sinh địa, đơn bì, mao căn...

Cần lưu ý: Dùng thuốc trên để trị chứng nhiệt độc thịnh là chính vì các dược vật đều mang tính hàn, vị đắng nên dễ làm thương tổn tân dịch, do đó cần thận trọng với người có tổn thương tân dịch hoặc cần gia các dược vật tư âm thanh nhiệt.

Phổ tế tiêu độc ẩm: Phương có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sơ phong tán tà. Được sử dụng trị chứng ung nhọt ở đầu mặt, bệnh quai bị, viêm amidal cấp, mà có biểu hiện sốt sợ lạnh, mồm khát, lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng pha vàng, mạch phù sác hoặc trầm sác có lực. Phương gồm hoàng cầm (tẩm rượu sao) 12-20g, hoàng liên 12-20g, trần bì 6-8g, huyền sâm 6-8g, bản lam căn 4-8g, ngưu bàng tử 4-6g, cương tằm 4-6g, sài hồ 8-12g, cam thảo 6-8g, liên kiều 4-8g, mã bột 4-6g, bạc hà 4-6g, thăng ma 4-6g. Các vị tán bột trộn mật làm hoàn hoặc sắc uống với liều gia giảm, ngày 1 thang, chia 3 lần. Lưu ý có phương không có bạc hà, có phương có nhân sâm 10g, có phương có đại hoàng.

Trong phương hoàng cầm và hoàng liên là chủ dược, tác dụng thanh tả nhiệt độc ở thượng tiêu đầu mặt. Huyền sâm, mã bột, bản lam căn, cát cánh, cam thảo thanh giải nhiệt độc ở đầu họng. Trần bì lý khí sơ thông ứ trệ; thăng ma. Sài hồ thăng dương, tán hỏa dẫn dược đưa lên đầu mặt.

Gia giảm: Quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn, gia xuyên luyện tử, long đởm thảo để can nhiệt; kết hợp dùng rượu hạt gấc bôi ngoài rất tốt. Khí hư, người mệt mỏi, gia đảng sâm, để bổ khí. Táo bón, gia đại hoàng để tả nhiệt thông tiện.

Tả tâm thang: Đại hoàng 6g, hoàng cầm 12g, hoàng liên 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Phương có công hiệu tả hỏa, giải độc, trừ thấp, trị chứng tâm, vị hỏa thịnh gây nôn ra máu, chảy máu cam, táo bón, hoặc tích nhiệt ở tam tiêu, mắt đỏ, mồm lở, hay ung nhọt, thấp nhiệt, vàng da, ngực sườn đầy tức, rêu lưỡi vàng dày, mạch sác có lực.

Thanh ôn bại độc ẩm: Phương tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, cứu âm. Dùng trị tất cả chứng hỏa nhiệt mà biểu hiện sốt cao, nóng bứt rứt, khát nước, nôn khan, đầu đau như búa bổ, hốt hoảng nói sảng hoặc phát ban nôn ra máu, chất lưỡi đỏ thẫm, mồ hôi, mạch trầm tế, hay trầm sác hoặc phù đại sác. Gồm sinh thạch cao 40-80g, sinh địa hoàng 16-20g, tê giác 2-4g, cát cánh 8-12g, huyền sâm 8-16g, đơn bì 8-12g, chi tử 8-16g, tri mẫu 8-12g, cam thảo 4-8g, hoàng cầm 8-12g, hoàng liên 4-12g, liên kiều 8-12g, trúc diệp tươi 8-12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần (thạch cao sắc trước, tê giác tán bột mịn uống với nước thuốc).

BS. Hoàng Xuân Đại

Bài thuốc trị bệnh đau nửa đầu

Theo Đông y, hội chứng đau nửa đầu (Meniere) thuộc chứng huyễn vựng gồm triệu chứng chóng mặt là chủ yếu kết hợp với các chứng ù tai, nôn mửa. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh theo từng thể.

Thể can phong: do can hỏa vượng, can dương bốc lên, can thận âm hư gây ra. Thường gặp ở người tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, rối loạn giao cảm… Biểu hiện: hoa mắt, chóng mặt, ù tai, miệng khô, đắng, nôn mửa, phiền táo, dễ cáu gắt, đầu lưỡi đỏ, mạch huyền, tế, đới sác. Phép chữa: bình can tức phong, tiềm dương, hoặc bổ thận âm, bổ can huyết. Dùng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: thục địa 16g, quy bản 12g, miết giáp 12g, câu kỷ tử 12g, long cốt 12g, mẫu lệ 18g, câu đằng 16g, táo nhân 12g. Sắc uống.

Bài 2:Lục vị hoàn gia giảm: thục địa 16g, sơn thù 8g, hoài sơn 12g; phục linh, trạch tả, đơn bì, bạch thược, đương quy, cúc hoa mỗi vị 8g; long cốt 12g; mẫu lệ 12g; câu kỷ tử 12g. Sắc uống.

Bài 3: Thiên ma câu đằng ẩm: thiên ma 12g, câu đằng 16g, phục linh 12g, tang ký sinh 16g, dạ giao đằng 12g, hoàng cầm 12g, chi tử 8g, thạch quyết minh 20g. Sắc uống.

Bài 4: Nếu huyết áp tăng gây chóng mặt, phiền táo, ngủ ít, tiểu tiện đỏ, táo bón, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác, biểu hiện của chứng can hỏa vượng thì dùng bài Long đởm tả can thanggia giảm: long đởm thảo 12g, hoàng cầm 12g, sơn chi 12g, sài hồ 12g, sinh địa 16g, đương quy 8g, mộc thông 12g, xa tiền 16g, trạch tả 8g, cam thảo 4g, địa long 12g, mẫu lệ sống 16g. Sắc uống.

Long nhãn tốt cho người bệnh đau nửa đầu thể huyết hư.

Thể huyết hư:

thường gặp ở người thiếu máu, xơ cứng động mạch. Biểu hiện: sắc mặt xanh hoặc vàng úa, hồi hộp, ngủ ít, mệt mỏi, hay quên, ăn kém, chất lưỡi nhạt ít rêu, chóng mặt, hoa mắt. Mạch tế nhược. Kinh nguyệt không đều, lượng kinh ít, sắc kinh nhạt. Phép chữa: dưỡng huyết, tức phong. Dùng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: thục địa 16g, xuyên khung 12g, kỷ tử 12g, hà thủ ô 16g, tang ký sinh 16g, ngưu tất 12g, long nhãn 12g, cỏ nhọ nồi 12g, hoài sơn 12g. Sắc uống.

Bài 2: Tứ vật thang gia giảm: thục địa 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, đương quy 12g, tang ký sinh 16g, kỷ tử 12g, long nhãn 12g, hà thủ ô 16g, a giao 8g, ngưu tất 12g. Sắc uống.

Bài 3: Bát trân thang gia giảm: thục địa 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, đương quy 8g, đẳng sâm 16g, bạch truật 12g, phục linh 8g, cam thảo 4g, địa long 12g, mẫu lệ sống 16g, thạch quyết minh 20g, tang ký sinh 16g. Sắc uống.

Bài 4: Ngũ vị tử thang: ngũ vị tử 8g, toan táo nhân 12g, hoài sơn 12g, long nhãn 12g, đương quy 8g. Sắc uống.

Thể hàn thấp: Biểu hiện: người béo trệ, chóng mặt, hoa mắt, lợm giọng, buồn nôn, ngủ hay mê, ăn kém, sáng hay khạc ra đờm, miệng nhạt, lưỡi bệu, rêu dính, mạch hoạt. Phép chữa: hòa đàm trừ thấp. Dùng bài Nhị trần thang gia giảm: trần bì 8g, bán hạ chế 8g, phục linh 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.

- Nếu miệng đắng, lưỡi khô, tiểu vàng, phiền táo, đại tiện táo thêm trúc nhự 8g, chỉ thực 12g, bạch thược 12g, địa long 8g, thạch xương bồ 8g.

- Nếu rêu lưỡi trắng dính, đại tiện lỏng, miệng không khát, thêm đẳng sâm 16g, bạch truật 12g, trạch tả 8g.

Kết hợp day bấm các huyệt sau:

- Nội quan: từ cổ tay phía lòng bàn tay đo lên 2 tấc, cách 2 ngón tay 2 và 3.

- Lao cung: từ khe giữa ngón tay thứ 3 và thứ 4 kéo thẳng xuống giữa lòng bàn tay.

- Thiên lịch: trên huyệt dương khê 3 tấc.

- Phong trì: phía sau tai, chỗ lõm ở chân tóc.

- Định huyễn: từ phong trì đo lên 1 thốn.

Chủ yếu là day bấm 2 huyệt lao cung và thiên lịch có tác dụng tốt trong điều trị bệnh. Phối hợp tất cả các huyệt có tác dụng thanh nhiệt ở lục phủ ngũ tạng, thanh tâm hỏa, trừ thấp nhiệt, lương huyết, định tâm, an thần, thông mạch lạc, trị đau đầu, ù tai, đau các dây thần kinh, có tác dụng tốt trong phòng và trị bệnh đau nửa đầu.

Lương y Minh Chánh

Đông y điều trị mất tiếng, khản tiếng

Theo y học cổ truyền "phế là cửa của âm thanh, thận là gốc của âm thanh" (phế vi thanh âm chi môn, thận vi thanh môn chi căn). Như vậy mất tiếng có liên quan đến hai tạng phế và thận.

Về nguyên nhân bệnh có ngoại cảm gây mất tiếng và nội thương gây mất tiếng. Ngoại cảm gây mất tiếng thường là chứng thực, bệnh mới, nội thương gây mất tiếng thường do tinh khí hư, bệnh lâu là chứng hư. Ngoài ra hò hét, gào thét quá mức làm tổn thương phế khí cũng gây mất tiếng.

Về điều trị nếu do ngoại tà thì phải sơ tà, nếu do nội thương thì phải bổ hư.

Mất tiếng có nhiều thể và chứng khác nhau, căn cứ vào thể, chứng cụ thể mà dùng các bài thuốc thích hợp như dưới đây:

Chứng thực

Thể mất tiếng do cảm phải phong hàn

Triệu chứng: Tiếng khản, ho, sốt, mũi tắc, tiếng thở phô, mạch phù, rêu lưỡi mỏng trắng.

Phép điều trị: Sơ tán phong hàn, tuyên phế khí.

Bài 1: Ma hoàng 8g, hạnh nhân 12g, cam thảo 6g, kinh giới 12g, tiền hồ 12g, bối mẫu 12g, trần bì 8g, cát cánh 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Bài 2: Hoài sơn 16g, thục địa 16g, sơn thù 8g, phục linh 12g, mẫu đơn bì 6g, trạch tả 8g.

Bài 3: Lá tía tô 12g, kinh giới 8g, gừng tươi 8g, lá hẹ 12g, lá xương sông 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Thể mất tiếng do hàn tà bao vây nhiệt, khí phận bị bế tắc

Triệu chứng: Như ở phong hàn, thêm họng đau, miệng khát, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác.

Phép điều trị: Sơ tán ngoại hàn, thanh trừ lý nhiệt.

Bài thuốc: Ma hoàng 12g, hạnh nhân 12g, cam thảo 8g, thạch cao 24g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Thể mất tiếng do phong tà hóa nhiệt đốt phế kim

Triệu chứng: Mất tiếng họng đau, mình nóng, ho, miệng khô, khát nước, rêu lưỡi vàng, mạch sác.

Phép điều trị: Thanh hỏa lợi hầu họng.

Bài thuốc: Cát cánh 12g, chi tử 10g, hoàng cầm 8g, tang bạch bì 8g, cam thảo 8g, tiền hồ 10g, tri mẫu 12g, bối mẫu 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Thể mất tiếng do đờm nhiệt giao trở

Triệu chứng: Tiếng nặng khàn, đờm nhiều, dính, vàng, miệng đắng họng khô, rêu lưỡi vàng cáu, mạch hoạt sác.

Phép điều trị: Thanh phế hóa đờm, lợi hầu họng.

Bài thuốc: Bối mẫu 12g, tri mẫu 10g, cam thảo 8g, cát cánh 12g, xương bồ 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Chứng hư

Thể mất tiếng do phế táo tân dịch ít

Triệu chứng: mồm họng khô, họng ngứa đau hoặc ho khan, tiếng khàn nói không ra tiếng, lưỡi đỏ, mạch sác.

Phép điều trị: Thanh phế nhuận táo.

Bài thuốc: Tang diệp 12g, nhân sâm 4g, ma nhân 6g, mạch môn 12g, tỳ bà diệp 10g, thạch cao 12g, cam thảo 6g, a giao 8g, hạnh nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Thể mất tiếng do thận âm bất túc

Triệu chứng: Mất tiếng, họng khô, hư phiền mất ngủ, lưng mỏi, gối yếu, nặng thì tai ù, ngũ tâm nóng, lưỡi đỏ, mạch hư sác.

Phép điều trị: Tư dưỡng thận âm.

Bài thuốc: Thục địa 16g, sơn thù 12g, trạch tả 12g, phục linh 12g, đan bì 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Thể mất tiếng do phế âm hư

Triệu chứng: Mất tiếng, khản tiếng do ho lâu.

Phép điều trị: Bổ phế chỉ khái.

Bài thuốc: Sinh địa 12g, thục địa 12g, mạch môn 12g, bách hợp 10g, bạch thược 12g, đương quy 8g, bối mẫu 12g, cam thảo 6g, huyền sâm 12g, cát cánh 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn.

Ngoài việc dùng thuốc có thể dùng các món ăn - bài thuốc đơn giản để chữa mất tiếng, khản tiếng.

- Trần bì 10g, ô mai 3g. Sắc lấy 2 nước hòa chung, chia uống 2 lần trong ngày vào sáng và tối. Mỗi ngày 1 thang. Tác dụng sinh tân chỉ khát, tiêu đàm thông họng. Trị khản tiếng, mất tiếng.

- Lá kim châm 30g, mật ong 15g. Thêm 1 ly nước nấu sôi, cho thêm mật ong quấy đều, chia 3-4 lần uống hết trong ngày.

Công dụng: Giải độc, nhuận táo, thanh giọng, trị khàn tiếng, mất tiếng.

- Củ năn rửa gọt bỏ vỏ, giã nát vắt lấy nước, uống nguội tùy thích.

Mã thầy (củ năn)

Thanh nhiệt, giải độc, sinh tân giải khát, khai vị tiêu thực, nhuận táo, tiêu đàm thông họng. Trị khàn tiếng, mất tiếng, đau họng do phổi nóng, đàm vàng, táo bón.

- Củ cải 1 củ, bồ kết 3g. Củ cải cắt miếng, sắc nước cùng bồ kết, vớt bỏ bồ kết, ăn cả xác lẫn nước.

Khai khứu thông tý, nhuận phế tiêu đàm. Trị khàn tiếng, mất tiếng.

- Trứng gà 1 quả, giấm 250ml. Trứng rửa sạch đặt trong nồi đất thêm giấm nấu chín, lột bỏ vỏ, cho trở lại vào nồi, nấu thêm 15 phút, ngày 1 lần, ăn trứng uống giấm.

Công dụng: Thích hợp cho chứng mất tiếng, khàn tiếng do ho nhiều, ho dữ, dẫn tới viêm dây thanh cấp tính.

Lương y Vũ Quốc Trung

Chữa chứng bí tiểu ở phụ nữ mang thai

Bạch truật.

Phụ nữ có thai, vào tháng thứ 7-8 vẫn ăn uống, ngủ và đi lại bình thường, nhưng bí tiểu tiện nếu bị nặng thì bụng dưới trướng căng, trong lòng bực bội, không nằm được, y học cổ truyền gọi bệnh "Bào chuyển".

Nguyên nhân là do cổ bàng quang (niệu đạo) bị chèn ép làm bí tiểu tiện. Bệnh này có hư, có thực với các chứng trạng khác nhau tùy thể bệnh mà dùng bài thuốc thích hợp.

Chứng hư: có 2 thể

Thể khí hư: Do thể chất yếu đuối, khí trung tiêu suy kém không nâng được thai lên, để nén xuống bàng quang gây bí đái hoặc do phế khí hư yếu không thấm xuống bàng quang được làm cho thuỷ đạo không thông lợi gây bí đái. Biểu hiện là đi đái từng giọt, không thông hoặc đái luôn nhưng ít, bụng trướng, căng đau, đoản khí, hồi hộp... Trong trường hợp này cần uống thuốc để bổ khí, thăng đề.

Bài thuốc: Đương quy 8g, bạch thược 8g, nhân sâm 4g, bạch truật 12g, trần bì 6g, thăng ma 4g, thục địa 8g, xuyên khung 4g. Sắc uống ngày một thang.

Thể thận hư: Thận khí bất túc (không đầy đủ) không đủ để làm ấm dương khí của bàng quang dẫn tới công năng khí hoá bị ảnh hưởng gây bí tiểu tiện. Biểu hiện là tiểu tiện không thông, bụng dưới đầy trướng, căng đau, nằm không được, chân phù, người mệt mỏi, đại tiện lỏng...

Trong trường hợp này phải uống thuốc để ôn thận (làm ấm thận) hoà khí và thông thủy.

Bài thuốc: Sinh địa 12g, hoài sơn 12g, sơn thù 12g, trạch tả 8g, phục linh 8g, đan bì 8g, đan bì 8g, quế chi 4g, phụ tử 4g.

Chứng thực: có 2 thể.

Thể thấp nhiệt: Do lo lắng, uất giận hoặc do ăn nhiều đồ ăn béo ngọt, uất lâu hoá nhiệt làm thấp nhiệt dồn xuống bàng quang, nhiệt uất, khí kết làm cho thuỷ (nước) không thông lợi. Biểu hiện là bí đái, tiểu tiện vàng, són, bụng dưới căng trướng, đau, ngồi đứng không yên, sắc mặt đỏ, tâm phiền, đại tiện không thông khoái... Trong trường hợp này phải thanh nhiệt, trừ thấp.

Bài thuốc: Hoàng liên 12g, hoàng bá 12g, hoàng cầm 12g, hoạt thạch 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Thể khí trệ: Do ăn quá no hoặc nín đái lâu làm cho khí uất trệ lại gây bí tiểu tiện. Biểu hiện là bỗng nhiên bí đái, hoặc đái không thông, bụng dưới căng trướng, đau, trong lòng bứt rứt, không nằm được, vẫn ăn uống được bình thường. Trong trường hợp này phải điều khí, hành trệ.

Bài thuốc: Trần bì 4g, phục linh 4g, bán hạ 4g, cát cánh 4g, đại phúc bì 4g, tô ngạnh 4g, chỉ xác 4g, bạch truật 4g, chi tử 4g, cam thảo 5g. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 2 lần trong ngày.

Cần lưu ý: Giữ tinh thần thư thái, thoải mái, ăn uống điều độ, đủ chất không quá no, quá đói. Hằng ngày đi lại, vận động nhẹ nhàng. Buổi tối không uống nhiều nước.

Lương y Hoài Vũ

Bài thuốc trị bí tiểu tiện

Bí tiểu tiện Đông y gọi là lung bế. Nguyên nhân dẫn đến lung bế có thể là do thấp nhiệt, do huyết lâm, thạch lâm, hoặc do các cơ quan lân cận chèn ép làm cho niệu đạo bị bế tắc. Để điều trị, Đông y có các bài thuốc hiệu quả theo từng thể lâm sàng như sau:

Bí tiểu do thấp nhiệt: Người bệnh có biểu hiện đái buốt đái dắt, nước tiểu đỏ, cảm giác nóng rát ở bàng quang và niệu đạo; thường kèm theo đau đầu, đau lưng, sốt, miệng đắng, rêu lưỡi vàng… Phép trị là thanh nhiệt lợi thấp, thông tiểu. Dùng một trong các bài:

Bài 1:

hương nhu trắng 16g, cỏ mần trầu 16g, ngân hoa 10g, liên kiều 12g, sinh địa 12g, mã đề thảo 16g, râu ngô 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng: thanh nhiệt lợi tiểu hóa thấp.

Bài 2: hạ liên châu 16g, bạch mao căn 16g, thổ phục linh 20g, mộc thông 12g, rau dấp cá 16g, mã đề thảo 16g, tang diệp 20g, vỏ bí ngô 16g, mướp đắng 16g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng: thanh nhiệt, chống viêm, lợi tiểu.

Bí tiểu do sỏi:Người bệnh có biểu hiện bí tiểu, đau lưng, đau ở bộ phận sinh dục và lan ra vùng lân cận. Nước tiểu đỏ có khi lẫn máu, có trường hợp đau quặn, không đi tiểu được làm người bệnh rất khó chịu. Phép trị là chống viêm, bài thạch (làm tan sỏi và tống sỏi ra ngoài). Dùng một trong các bài:

Bài 1: kim tiền thảo 20g, râu ngô 16g, trinh nữ 20g, rễ bí ngô 16g, trúc diệp 20g, rau ngổ 16g, ích mẫu 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng: chống viêm, thông tiểu, bài thạch.

Bài 2: mướp đắng 20g, trinh nữ 20g, rễ cỏ tranh 20g, kê nội kim 10g, cỏ xước 16g, dấp cá 20g, ngân hoa 10g, hương nhu trắng 16g, hải kim sa 16g, rau ngổ 20g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng: chống viêm, bài thạch.

Bí tiểu do sang chấn:

Người bệnh có biểu hiện tiểu buốt, gắt, nước tiểu vàng, có khi màu hồng lẫn máu, đau tức vùng hạ vị, rêu lưỡi trắng, mạch hoạt. Phép trị là lợi niệu, hoạt huyết, bổ trung ích khí. Dùng bài thuốc: sinh địa 12g, thông thảo 6g, trúc diệp 16g, tam thất 12g, sơn chi 12g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 12g, sài hồ 12g, đinh lăng 16g, xa tiền 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng: bổ khí hoạt huyết, thông tiểu, giảm đau.

Bí tiểu sau phẫu thuật: Biểu hiện bàng quang căng đầy, đau tức, bí tiểu, các cơ và thần kinh ở vùng tiểu khung bị chấn động dẫn đến co cứng làm cho niệu đạo bị co thắt gây bế tắc. Người bệnh đau tức, bí tiểu, không dám cử động mạnh. Phép trị là thư giãn cơ, chống co thắt, phục hồi chức năng của thần kinh, lập lại cân bằng âm dương. Dùng bài thuốc: cát căn 20g, hà thủ ô (chế) 16g, chè khô 16g, ba kích 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: chống co thắt, kích thích và phục hồi chức năng chỉ đạo của thần kinh trung ương.

Lưu ý:trường hợp này không được dùng thuốc lợi tiểu.

Lương y Trịnh Văn Sỹ

Bài thuốc giúp phòng, trị bệnh vẩy nến

Vẩy nến là một bệnh ngoài da biểu hiện bằng những chấm, vết hoặc mảng; thường hình tròn, ranh giới rõ rệt, gồ cao hơn mặt da; với 2 loại tổn thương cơ bản: lớp vẩy màu trắng đục như xà cừ, khô, dễ vụn, cạo ra như bột trắng; thành từng lớp, gồ cao hơn mặt da, bong lớp này lớp khác lại đùn lên. Nền đỏ: làm nền cho lớp vẩy, có khi ăn lan xung quanh lớp vẩy, vết đỏ ranh giới rõ rệt, khô, hơi cộm, ấn kính thì lặn.

Trong lâm sàng, người ta phân biệt thành các thể: thể chấm, thể giọt, thể đồng tiền, thể mảng và 2 thể biến chứng là vẩy nến đỏ da và vẩy nến khớp.

YHCT gọi vẩy nến là bạch sang, tùng bì tiễn; là một bệnh ngoài da mạn tính, hay tái phát. Bệnh hay phát vào mùa đông, ở da đầu và mặt, tứ chi; nặng có thể phát ra toàn thân, có thể kèm theo sưng các khớp tay chân. Nguyên nhân là do huyết nhiệt lại gặp phải phong mà gây bệnh ở ngoài da, phong làm huyết táo không dinh dưỡng da gây bệnh vẩy nến. Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể.

Khô phàn (phèn chua phi) là 1 vị thuốc trong bài thuốc bôi tại chỗ trị vẩy nến.

Thể phong huyết nhiệt

Tại nơi tổn thương xuất hiện những nốt chẩn, nhiều, liên tục, lâu ngày to dần, màu hồng tươi, người bệnh ngứa nhiều. Phương pháp chữa là khu phong, thanh nhiệt, lương huyết. Dùng một trong các bài:

Bài 1: hòe hoa, sinh địa, thạch cao mỗi vị 20g; thổ phục linh, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, hy thiêm, cam thảo đất mỗi vị 16g; cây cứt lợn 12g. Sắc uống.

Bài 2. Hòe hoa thang gia giảm: hòe hoa (dùng sống), sinh địa, thổ phục linh, thạch cao mỗi vị 40g; tử thảo, thăng ma, địa phu tử mỗi vị 12g, chích thảo 4g, ké đầu ngựa 20g. Sắc uống.

Thể phong huyết táo

Tại nơi tổn thương, những nốt ban cũ màu hơi đỏ, xuất hiện những nốt ban chẩn mới, ngứa, mặt da khô. Phương pháp chữa: Dưỡng huyết nhuận táo, khu phong. Dùng một trong các bài:

Bài 1: hà thủ ô 20g, đương quy 20g, khương hoạt 16g, thổ phục linh 40g, ké đầu ngựa 16g, sinh địa 16g, huyền sâm 12g, uy linh tiên 12g. Sắc uống.

Bài 2: huyền sâm, kim ngân, sinh địa, ké đầu ngựa, hà thủ ô, vừng đen mỗi vị 12g. Sắc uống.

Thuốc dùng tại chỗ

Bài 1: hỏa tiêu (muối), khô phàn, phác tiêu mỗi vị 5g, dã cúc hoa 12g. Nấu nước, lau rửa mỗi ngày 1 lần.

Bài 2: Có thể kết hợp các thuốc làm dịu da, bong vẩy nhẹ: dầu kẽm 5%, mỡ ichtyol 5%, mỡ salicylic 2% trong thời kỳ bệnh vượng phát hoặc mỡ diêm sinh 10%, mỡ chrysophalic 5% (trong thể mảng cố thủ).

Lương y Thảo Nguyên